Người đàn anh của Xuân Trường, Công Phượng ở HAGL và sự nghiệp “kỳ lạ”
Bầu Đức từng tuyên bố “Bóng đá Thái Lan có thể thắng Việt Nam, nhưng cứ chờ đám nhỏ của Học viện HAGL–Arsenal-JMG ra lò thì mọi chuyện sẽ khác. Trước mắt, Thái cứ có ngôi sao nào hay là tui “lụm” anh đó, để họ không dám nói mình này nọ”. Sau khi mùa giải 2006 kết thúc, bầu Đức đã mang về HAGL ngôi sao xuất sắc nhất bóng đá Thái Lan lúc bấy giờ là Datsakorn Thonglao.
Bầu Đức khi ấy nói rằng, lương của Thonglao chỉ bằng 50% lương của Lee Nguyễn. Thời điểm đó, Lee Nguyễn nhận mức lương 10.000 USD mỗi tháng ở HAGL, đồng nghĩa Thonglao chỉ nhận 5.000 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, không nhiều người tin vào điều này, bởi Thonglao khi đó là cầu thủ hàng đầu của Thái Lan, chẳng có lí do gì để anh từ bỏ sự quan tâm từ đội bóng hàng đầu đất nước này lúc đó là BEC Tero Sasana, ngoài việc được đáp ứng về lương bổng và môi trường chơi bóng.
Thonglao từng được kỳ vọng sẽ là nhạc trưởng của HAGL
Tiền lương với bầu Đức chỉ là chuyện nhỏ. Cái ông cần là một HAGL đổi mới, và ông chọn Thonglao làm linh hồn cho đội hình của đội bóng phố núi. Tuy nhiên, mọi thứ đã không theo ý muốn của bầu Đức. Thonglao chơi lạc lõng trong đội hình của HAGL, anh không thể hiện được tố chất nhạc trưởng của mình, và sự kết nối với các đồng đội thấp hơn lạ thường so với thời anh còn chơi bóng ở Thái Lan.
Trước mùa giải 2009, bầu Đức quyết định chơi tất tay, mua rất nhiều cầu thủ sao số ở bản đồ bóng đá Việt Nam. Đầu tiên trong danh sách này là Lee Nguyễn, sau đó là những cầu thủ của Đồng Tháp gồm Quý Sửu, Văn Pho, Thanh Bình. Ngoài ra, đội bóng phố núi còn chiêu mộ Việt Cường, Agostinho hay hai cầu thủ nhập tịch Đoàn Văn Nirut và Đoàn Văn Sakda. Dù sở hữu đội hình chất lượng như vậy, nhưng HAGL lại thể hiện không tốt, thay vì đua vô địch, thì họ lại góp mặt trong cuộc đua trụ hạng.
Thonglao ra đi khi mùa giải 2009 kết thúc, sau khi không thể hiện được đúng những gì mình có thể ở HAGL. Có điều rất lạ là dù chơi tệ ở Việt Nam, nhưng mỗi khi trở về thi đấu cho ĐTQG Thái Lan, tiền vệ này lại luôn cực kỳ ấn tượng. HLV Bryson Robson năm nào của Thái Lan từng ví anh như “Paul Scholes của bóng đá Thái”.
Trước khi ra đi, Thonglao đã từ chối ký vào bản hợp đồng mới có thời hạn 2 năm với HAGL. Anh trở về Thai League đầu quân cho Muangthong United. Tại đây, Thonglao lập tức là thể hiện được phẩm chất của mình và giúp đội bóng này vô địch quốc gia trong 3 mùa giải 2010, 2012 và 2016.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của Thonglao là trong màu áo Muangthong United. Ở đỉnh cao đó, Thonglao từng tuyên bố giải nghệ, nhưng anh quyết định ra sân trở lại ở tuổi 36. Anh gia nhập CLB Chonburi vào mùa giải 2019. Thonglao hiện tại chơi cho Ayutthaya United tại Thai League 2 và có cuộc sống ổn định. Anh cũng là ông chủ một Học viện bóng đá do chính mình sáng lập, hiện thu hút rất nhiều cầu thủ trẻ đến theo tập.
“Tôi thấy thất vọng vì trong 3 năm không thể mang về danh hiệu nào cho HAGL. Tôi cảm ơn bầu Đức, cảm ơn HAGL và cả V.League đã cho tôi những kinh nghiệm quý giá. Tôi không cho rằng, bản thân đã thất bại bởi ở thời điểm bấy giờ, V.League là giải đấu tốt hơn Thai League. Tôi muốn tiếp nối những huyền thoại của bóng đá Thái Lan và tôi đến đó để nâng cao đẳng cấp. Tôi sẽ trở lại Việt Nam và hy vọng mọi người còn nhận ra tôi”, Thonglao chia sẻ về những ngày tháng chơi bóng tại V.League.
Thonglao không cho rằng đến HAGL là thất bại trong sự nghiệp của anh
Có một thông tin rất thú vị rằng, khi còn là một cầu thủ trẻ tuổi mới gia nhập Học viện HAGL-Arsenal-JMG, Lương Xuân Trường từng rất ngưỡng mộ tiền vệ Thonglao và xem anh là hình tượng để bản thân học hỏi. Ở HAGL, Xuân Trường rất thường xuyên theo dõi Thonglao qua các buổi tập và các lần ra sân thi đấu.
Có lẽ, không ít thì nhiều, Xuân Trường cũng đã học hỏi được những kỹ năng quý giá đến từ đàn anh người Thái Lan. Bây giờ, Xuân Trường cũng có những cú đá phạt hay những đường chuyền dài mang chút ít hình bóng của Thonglao. Tiền vệ sinh năm 1995 còn chủ động kết bạn trên mạng xã hội và xin áo đấu của Thonglao để bày tỏ lòng mến mộ.
Chí Tài
Nguồn: Bongda365.com