Năng lực tự thay đổi của Pep Guardiola
Trận Siêu cúp châu Âu một lần nữa cho thấy năng lực tự thay đổi cao đặc biệt của Pep Guardiola. Ngày nào Guardiola còn muốn thay đổi, ngày đó Man City còn thống trị bóng đá Anh.
Thay đổi luôn là một yêu cầu cấp thiết. Càng thành công thì lại càng cần phải thay đổi. Nếu chấp nhận thay đổi, chúng ta sẽ tìm kiếm được động lực mới. Nếu ngại hoặc chậm thay đổi, thành công hoàn toàn có thể trở thành chính trở lực của chúng ta.
Lịch sử bóng đá từng chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp các HLV (hay đội bóng) ngủ quên trên chiến thắng, cứ giữ khư khư công thức cũ để rồi cuối cùng lụn bại. Cũng có những HLV cực kỳ thành công trong một thời gian dài bởi khả năng nhận ra nhu cầu phải thay đổi và hành động. Tiêu biểu là Sir Alex Ferguson, người đã tạo nên một đế chế của riêng mình ở Manchester United, và duy trì đế chế ấy trong gần ba thập kỷ, nhờ khả năng thay đổi để bắt kịp, hoặc thậm chí là vượt lên dòng chảy của thời đại.
Với Pep Guardiola, Sir Alex là một trong những thần tượng trong nghề. Dù từng hai lần đánh bại chính vị HLV người Scotland ở chung kết Champions League, Pep luôn dành cho ông sự tôn trọng cao nhất. Đặc biệt là ở khả năng duy trì khát khao cho chính mình và cho đội bóng trong một thời gian dài. Thời còn ở Barcelona, Pep từng tìm tới nhờ Sir Alex tham vấn khi ông cảm thấy quá mệt mỏi, tới mức kiệt quệ, trong việc duy trì động lực cho một tập thể đã no nê danh hiệu. Câu trả lời, từ Sir Alex, là thay đổi.
Nhưng ở Barcelona, Guardiola đã không làm được như Sir Alex khuyên nhủ. Ông cố gắng thay đổi, nhưng những thay đổi của ông chỉ xoay quanh một vài vấn đề nhỏ về nhân sự hay sơ đồ chiến thuật. Còn bức tranh tổng thể thì vẫn thế. Ông biết có những thay đổi lớn hơn phải thực hiện, nhưng đã không dám động tay. Một phần vì ông không đủ nhẫn tâm. Một phần vì ông tự thấy mình chưa đủ “lớn”. Guardiola nói rằng thời điểm ông không thể gào lên yêu cầu Lionel Messi tham gia pressing, ông biết rằng mình cần phải rời Barcelona ngay lập tức.
Hơn 10 năm sau ngày rời Barcelona, Guardiola bây giờ đã rất khác. Ông trở thành mẫu HLV cực kỳ quyết liệt với những thay đổi. Cầu thủ không đủ chất lượng, gạt bỏ. Cầu thủ không phù hợp, gạt bỏ. Thậm chí chỉ cần cầu thủ thấy không vui, như trong trường hợp của Joao Cancelo, ông cũng sẵn sàng gạt bỏ ngay.
Guardiola cũng không ngại thực hiện những thay đổi lớn về chiến thuật. Nếu nhìn lại Man City từ mùa đầu tiên của Pep tới nay, ta sẽ thấy là đội bóng này dù về cơ bản vẫn được xây dựng trên triết lý kiểm soát bóng, nhưng mỗi mùa lại trình diễn một bộ mặt rất khác. Không chỉ theo từng mùa, Guardiola còn thay đổi theo từng trận.
Man City của nửa cuối mùa trước rất khác với Man City của nửa đầu. Đó là khi John Stones được kéo từ hàng hậu vệ lên cao và chơi như một libero hoạt động tự do, giúp City duy trì được tình trạng vượt trội về quân số dù “chấp” Haaland ở phía trên.
Trận siêu cúp với Seville, ta lại thấy Guardiola trình diễn những thay đổi mới. Ví dụ như kéo Akanji lên đá như một tiền vệ trụ bên cạnh Rodri. Thay đổi này chưa thực sự thành công trong trận, và chúng ta cũng biết về lâu dài nó có thể thành công hay không. Nhưng nếu sợ sai mà không làm thì không phải là Guardiola.
Với vị HLV người Tây Ban Nha, ngày ông không dám thay đổi, dám thử nghiệm cũng sẽ là ngày ông biết mình cần phải dừng lại.