Mikel Arteta, Xabi Alonso, Xavi Hernandez hay Vincent Kompany đều được xem là những “đệ tử” của Pep Guardiola. Điểm chung của họ là đều gom góp ý tưởng cũng như thấm nhuần triết lý bóng đá của Pep, từ đó áp dụng vào CLB mà mình đang dẫn dắt. Arteta đã giúp Arsenal lột xác khi trở thành địch thủ của Man City tại Premier League mùa trước. Alonso cũng thu lượm thành công ở Leverkusen, đưa đội bóng vào bán kết Europa League. Xavi thì cùng Barca vô địch La Liga, còn Kompany gây tiếng vang khi giúp Burnley đăng quang Championship để giành vé thăng hạng lên chơi tại Ngoại hạng Anh mùa 2023/24.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Kompany chỉ ra bản thân ông cùng 3 đồng nghiệp Alonso, Xavi và Arteta không chỉ học hỏi duy nhất từ Pep. Vị thuyền trưởng của Burnley khẳng định tất cả đều đã có những trải nghiệm khác nhau trong suốt cuộc đời. Kompany nói đúng. Sẽ là xúc phạm nếu coi bất kỳ ai trong số họ là bản sao của Guardiola. Mỗi người có cá tính riêng của mình. Không ai muốn bị xem là phiên bản “Guardiola đệ nhị”. Nhưng, Kompany chấp nhận quan điểm, ông và nhiều HLV khác chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Pep. Bằng cách nào mà 4 HLV từng dưới trướng Pep đều đang bắt đầu thành công trên con đường huấn luyện? Đó chắc chắn không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trong khi đó, hãy nhìn qua Sir Alex Ferguson. Ai cũng thừa nhận Fergie là một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Những gì vị HLV huyền thoại này làm cho MU nói riêng và bóng đá Anh nói chung đã trở thành di sản sống mãi với thời gian. Dù vậy, có bao nhiêu “đệ tử” của Sir Alex thành công khi dấn thân vào nghiệp huấn luyện? Gary Neville, Roy Keane, Paul Ince, Ole Gunnar Solskjaer hay Mark Hughes? Không một ai. Đa số đều nhanh chóng tàn lụi hoặc chỉ ở mức tầm trung như Hughes – người hiện đang dẫn dắt CLB Bradford City tại giải hạng Tư của Anh. Đều là những HLV vĩ đại, song tại sao Guardiola và Sir Alex lại có những học trò khác nhau một trời một vực đến thế?
Câu trả lời nằm ở cách hai HLV này vận hành tại đội bóng. Trong ngôn ngữ bóng đá quốc tế, người ta phân biệt rất rạch ròi giữa HLV (Coach) và người quản lý (Manager). Khi nhìn vào nhiều nhà quản lý thành công nhất lịch sử bóng đá Anh, họ thường làm việc chặt chẽ với các HLV khác và không phải lúc nào cũng là một nhà chiến thuật. Sir Alex chính xác thuộc tuýp như vậy. Ông đóng vai trò của một nhà quản lý, một người đưa ra tầm nhìn dài hạn cho CLB. Ferguson có thiên hướng làm việc ở góc độ con người, vừa làm thầy vừa làm cha, sử dụng vốn liếng tự có của bản thân nhằm khiến các học trò sẵn sàng thi đấu hết sức vì mình.
Nói cách khác, Sir Alex đại diện cho trường phái các HLV đắc nhân tâm, không quá đặt nặng triết lý chơi bóng mà chú trọng vào yếu tố con người, tinh thần và khả năng điều binh linh hoạt. Đó là lý do vì sao Sir Alex có thể cầm MU với những cầu thủ Phil Jones, Chris Smalling, Jonny Evans, Ashley Young hay Tom Cleverley vô địch Premier League 2012/13. Đó là cái tài, đồng thời cũng là một phẩm chất của riêng Sir Alex mà không ai có thể học được. Brian Clough được xem là HLV vĩ đại của Nottingham Forest, song thiên tài chiến thuật ở CLB này vào cuối thập niên 1980 là Peter Taylor. Bên cạnh Sir Alex luôn có những trợ lý và HLV tuyệt vời, đơn cử như Steve McClaren, những người sẽ thực hiện tầm nhìn của ông trong công tác huấn luyện.
Guardiola thì khác. Ông kiêm nhiệm cả vai trò HLV lẫn người quản lý ở bất kỳ nơi nào mình đặt chân đến. Nhà cầm quân 52 tuổi không ngừng tìm tòi, đào sâu vào các kỹ chiến thuật và sớm nhận ra sự thay đổi của môn thể thao vua. “Kỹ năng của tôi không hề suy giảm”, Pep nói hồi năm 2004, khi ông nhận thấy vai trò tiền vệ kiến tạo lùi sâu dần tuyệt chủng. “Chỉ là bóng đá bây giờ đã khác. Giờ đây, để chơi phía trước 4 hậu vệ, bạn phải là người đoạt bóng, tắc bóng như Patrick Vieira hay Edgar Davids. Nếu bạn có thể chuyền bóng nữa thì đó là một điểm cộng”. Theo một nghĩa nào đó, Pep là nhà tiên tri. Claude Makelele đã giúp Chelsea đoạt 2 chức vô địch Premier League liên tiếp, thậm chí còn có vai trò được đặt theo tên của cựu tiền vệ này.
Rõ ràng, khi ở bên cạnh, tiếp xúc và làm việc cùng Pep, những người như Xavi, Arteta, Kompany hay thậm chí cả Erik ten Hag đều được khai sáng. Guardiola không ngần ngại chỉ bảo, cung cấp cho họ cái cần câu, còn Sir Alex không phải mẫu HLV giải thích cho các cầu thủ của mình lý do những gì họ đang làm. Cả hai đều là HLV đại tài, song rõ ràng giữa họ vẫn có sự khác biệt lớn về tư duy cũng như cách nhìn nhận về bóng đá.
Carrick có thể khiến Sir Alex mở mặt?
Sau khi một loạt học trò của Sir Alex thất bại ở nghiệp huấn luyện, Michael Carrick nổi lên là cái tên hiếm hoi có thể làm ông thầy cũ “mát mày mát mặt”. Hiện tại, chiến lược gia 41 tuổi đang thể hiện tốt công việc của mình tại Middlesbrough, và hứa hẹn có thể trở thành một HLV xuất sắc trong tương lai gần.